Hà Nội, 31/03/2023 – Hôm nay, Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” (VN-SIPA) đã được tổ chức. Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT và ông Jens Schmid-Kreye, Phó phòng Hợp tác Phát triển Đức, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris và ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam quyết liệt thực hiện Thỏa thuận này.
Cụ thể, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Triển khai ngay cam kết này, Việt Nam đã tăng đáng kể Đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022. Trong đó, tỷ lệ giảm phát thải không điều kiện là 15,8% so với 9% trong NDC 2020, tỷ lệ giảm phát thải có điều kiện là 43,5% so với 27% trong NDC 2020.
Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris, sau gần bốn năm triển khai, Dự án đã có những đóng góp quan trọng. Đặc biệt là tư vấn và hỗ trợ quá trình xây dựng khung chính sách và pháp luật về biến đổi khí hậu, xây dựng và cập nhật NDC, tăng cường năng lực cho các cơ quan đầu mới quốc gia, các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý và phối hợp thực hiện NDC và Thỏa thuận Paris.
“Với sự hỗ trợ của Dự án và một số đối tác khác, Việt Nam trình NDC năm 2020 và cập nhật năm 2022, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Các khung chính sách, kế hoạch về biến đổi khí hậu nhằm đưa ra lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cũng được xây dựng và hoàn thiện. Đây là một trong những kết quả rất tích cực mà dự án đạt được.” – Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhận xét về kết quả thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, VN-SIPA cũng tư vấn và hỗ trợ các Bộ, ngành xây dựng được 04 hệ thống Đo đạc – Báo cáo – Thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cấp ngành: Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), giao thông vận tải, xây dựng, và quản lý chất thải; xây dựng các chính sách, kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK, trong đó có thông tư Hướng dẫn về dãn nhãn năng lượng đối với ô tô con, xe mô tô, xe máy sử dụng năng lượng điện; rà soát mức giảm phát thải KNK đối với hoạt động chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng tại năm thành phố lớn; Quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng, do Bộ Giao thông vận tải chủ trì.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án cũng hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành NN&PTNT đến năm 2030; thực hiện NDC ngành trồng trọt, chăn nuôi, LULUCF, v.v…
Nhằm giảm thiểu một cách chiến lược tác động tiêu cực gây ra bởi biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu, dự án VN-SIPA cùng các đối tác phát triển còn hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thúc đẩy thực hiện Kế hoạch Thích ứng quốc gia (NAP), và Hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) các hoạt động thích ứng cấp quốc gia.
Các chính sách, kế hoạch mang tính chiến lược đều được các Bộ, ngành lồng ghép các giải pháp thực hiện NDC nhằm xây dựng một nền tảng, cơ sở pháp lý hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Nhận thức, kiến thức, năng lực của các cơ quan đầu mối quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý và phối hợp thực hiện NDC và Thỏa thuận Paris là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Dự án đã tổ chức các chương trình thăm quan học tập, các đợt làm việc tập trung cho các chuyên gia soạn thảo các chính sách chiến lược, các hội thảo tập huấn, v.v… với mục tiêu: (i) Phân tích, tổng hợp thông tin, kỹ năng đàm phán một cách tích cực và chủ động tại các đàm phán về khí hậu quốc tế; (ii) Nâng cao năng lực để thực hiện các mục tiêu và giải pháp của NDC; (iii) Nâng cao năng lực Kiểm kê KNK; và (iv) Nâng cao nhận thực về rủi ro BĐKH và năng lực thích ứng với BĐKH.
Ngoài các hỗ trợ xây dựng chính sách, nâng cao năng lực cho các Bộ, ngành, dự án VN-SIPA còn phối hợp với các đối tác (gồm cả tư nhân) triển khai thí điểm thành công ba giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) đô thị ở TP. Đồng Hới, Quảng Bình, và năm mô hình canh tác nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh. Các giải pháp, mô hình thí điểm này đã được bàn giao cho địa phương sử dụng tại Quảng Bình, và nhân rộng tại Hà Tĩnh.
Dự án VN-SIPA được tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Toàn cầu (IKI). Sáng kiến Khí hậu Toàn cầu (IKI) là một phần quan trọng trong cam kết quốc tế về hỗ trợ tài chính cho BĐKH của chính phủ Đức. Từ năm 2022, IKI được hợp tác thực hiện bởi Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu (BMWK), Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng (BMUV) và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức (AA).
Dự án VN-SIPA được hợp tác thực hiện giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) với sự phối hợp của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng và hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh triển khai từ năm 2019 đến tháng 3/2023. “Trong bốn năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ chính đã được Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành và GIZ thống nhất.” – ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhận định.
Giai đoạn I dự án khép lại với nhiều kết quả và thành tựu đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ các Bộ, ngành và Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu. Giai đoạn II của dự án sẽ được mở ra với những chương trình và mục tiêu mới. Ông Tấn bày tỏ mong muốn Chính phủ Đức “giúp hoàn thiện các hệ thống, quy định kỹ thuật của các ngành vì Việt Nam là nước đang phát triển nhưng thực hiện nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn ở mức tương đương các nước phát triển, và giúp thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học.”
Ông Jens Schmid-Kreye cũng chia sẻ mong đợi “các ban, ngành tiếp tục chung tay, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để cùng nhau hướng tới mục tiêu quốc gia trung hòa khí hậu vào năm 2050, thực hiện NDC, và mục tiêu cụ thể của Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Chính phủ và người dân Việt Nam có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chính phủ Đức nhằm giúp Việt Nam hướng tới những mục tiêu này.”
Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và các nước trong và ngoài G7, được chính phủ Việt Nam thông qua vào cuối tháng 12 năm 2022.
Để biết thêm thông tin, xin mời liên hệ:
Tên Chu Thị Thanh Hương
Trưởng phòng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô- dôn
Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Email: chuthanhhuong@gmail.com
Điện thoại: 0946543030
————–
Nguyễn Thị Hồng Xiêm,
Cán bộ truyền thông cấp cao
Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ
Email: xiem.nguyen@giz.de
Điện thoại: 0913015059